Bình Dương: đồng vốn chảy mạnh vào thị trường đất nền Bến Cát

Sau giai đoạn trầm lắng, từ năm 2016 đến nay, bất động sản Bình Dương bắt đầu sôi động trở lại. Trong sự khởi sắc mới, dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh về phía Bắc của tỉnh, cụ thể là thị xã Bến Cát – nơi bùng nổ các dự án đất nền quy mô lớn.

Phía Nam Bình Dương: Đất nền hiếm nguồn cung mới

So với thị trường bất động sản lân cận như Đồng Nai và Long An thì Bình Dương là thị trường vệ tinh có “lịch sử” sôi động từ chục năm trước. Giai đoạn 2008-2009, Bình Dương từng là tâm điểm của cơn sốt đất nền, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư đến từ Tp.HCM, Hà Nội và các vùng phụ cận. Trong khi đó, đất nền Đồng Nai, Long An mới chỉ bắt đầu dậy sóng từ năm 2015 nhờ sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông hoặc các thông tin quy hoạch như các tuyến cao tốc Bến Lức - Tp.HCM - Long Thành, sân bay Long Thành, cầu Cát Lái, tuyến Metro…

Bình Dương: Dòng vốn chảy mạnh vào thị trường đất nền Bến Cát
Dù không đón nhiều dự án đất nền quy mô lớn nhưng thị trường
phía Nam Bình Dương lại xuất hiện nhiều dự án căn hộ cao cấp 

Vị thế của một tỉnh công nghiệp lớn, luôn nằm trong top đầu cả nước về thu hút FDI từ hàng chục năm qua góp phần giúp bất động sản Bình Dương phát triển. Khu vực phía Nam của tỉnh gồm thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một từng là tâm điểm của cơn sốt đất giai đoạn 2008-2009. Khu vực này tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất quy mô lớn như Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình Đường, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, KCN Tân Bình, VSIP 1 (Việt Nam - Singapore 1)...

Tuy nhiên, khoảng 2 năm qua, phía Nam Bình Dương không có nhiều dự án đất nền quy mô lớn mở bán. Quá trình đô thị hóa và giai đoạn nóng phát triển trước đó đã khiến quỹ đất tại khu vực này không còn nhiều. Giao dịch trên thị trường chủ yếu là thứ cấp đến từ các dự án cũ. Đến nay, đất nền phía Nam Bình Dương đã thiết lập mặt bằng giá khá cao. Đất nền dự án An Phú đang được cháo bán 17-18 triệu đồng/m2, trong khi giữa năm 2017, mức giá là 15-16 triệu đồng/m2, giá đất dự án Vsip 1 đang được chào bán 17-19 triệu đồng/m2, trong khi giá bán đầu năm ngoái là 13-15 triệu đồng/m2. Dự án Central Garden được chào bán 16-18 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2017 thì nay đã lên 19-22 triệu đồng/m2…

Đáng chú ý, dù không đón nhiều dự án đất nền quy mô lớn nhưng thị trường phía Nam Bình Dương lại xuất hiện nhiều dự án căn hộ cao cấp với mức giá trung bình từ 15-35 triệu đồng/m2 như The Habitat Bình Dương, Eco Xuân, Sora Gardens, Roxana Plaza, Citadines Central, Marina Tower hay Samsora… Phân khúc căn hộ tại Bình Dương được giới đầu tư mua và cho các chuyên gia, người nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp thuê lại.

Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản phía Bắc

Trái ngược với phía Nam Bình Dương, chỉ trong vòng 2 năm qua, khu vực phía Bắc của tỉnh lại đón hàng loạt dự án đất nền quy mô lớn. Phía Bắc Bình Dương bao gồm thị xã Bến Cát, Bàu Bàng và Phú Giáo.Trong đó, thị xã Bến Cát là khu vực dòng vốn FDI đổ về mạnh nhất. Chính bởi vậy, các dự án đều tập trung ở thị xã Bến Cát như Bến Cát Golden Land, Golden Center City 1, Golden Center City 2, Spring City,Rich Home 1, Rich Home 2, Mega City, College Town 3, Bến Cát Center City… Các dự án đều có giá bán dao động từ 3.5-7 triệu đồng/m2.

Bình Dương: Dòng vốn chảy mạnh vào thị trường đất nền Bến Cát
Chỉ trong vòng 2 năm qua, khu vực phía Bắc của Bình Dương đón hàng loạt dự án đất nền quy mô lớn

So với Dĩ An, Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một thì Bến Cát là địa phương đi sau về phát triển công nghiệp và dịch vụ. Những năm 2000-2005, Bến Cát là huyện còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân chỉ dựa vào nông nghiệp là chính. Tuy nhiên, chủ trương đưa công nghiệp về phía Bắc của UBND tỉnh Bình Dương đã làm biến đổi hoàn toàn diện mạo khu vực này. Chỉ tính trong giai đoạn 2010- 2015, Bến Cát đã nhanh chóng vươn lên trở thành 1 trong 3 khu đô thị công nghiệp lớn của tỉnh. Năm 2014, Bến Cát chính thức được nâng cấp lên thị xã. Hiện thị xã Bến Cát có hơn 10 khu, cụm công nghiệp. Trong đó, có nhiều khu công nghiệp quy mô lên đến hàng trăm héc ta như Mỹ Phước 1,2,3, Rạch Bắp, Singapore Ascendas - Protrade, Mapletree… Số lượng công nhân và tầng lớp chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại đây gia tăng mạnh mẽ.

Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản Bến Cát trở nên sôi động với hàng loạt dự án đất nền quy mô lớn bung hàng. Theo các môi giới địa phương, khoảng 2 năm qua, khi nguồn cung dự án mới ở phía Nam Bình Dương không còn dồi dào, một bộ phận giới đầu tư đã đổ tiền về Bến Cát. Tiềm năng phát triển kinh tế và giá đất rẻ là cơ sở để giới đầu tư nhận định đất nền Bến Cát sẽ có dư địa tăng giá và tính thanh khoản cao trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Văn Xanh, một nhà đầu tư sống tại quận 5, Tp.HCM, giá đất tại các dự án có vị trí đẹp ở Dĩ An, Thuận An đều đã khá cao, gấp 3 đến 5 lần đất có vị trí tương đương tại Bến Cát và phần lớn là hàng thứ cấp. Giá đã cao nên dư địa tăng giá của đất nền phía Nam Bình Dương sẽ không còn lớn. Trong khi đó, ông Xanh cho biết, sau thành công của các khu, cụm công nghiệp phía Nam, làn sóng FDI trong những năm qua đổ mạnh về phía bắc là Bến Cát, Bàu Bàng. Chính bởi vậy, khu vực này đã, đang và sẽ chứng kiến những chuyển biến mạnh của hạ tầng, cơ cấu kinh tế, dân số… Thực tế này tất yếu tác động đến thị trường bất động sản phía Bắc theo chiều hướng tích cực.

Trên thực tế, nhiều dự án ở Bến Cát mở bán từ năm 2017 đến nay đã tiêu thụ hết hàng sơ cấp. Giá giao dịch trên thị trường thứ cấp ghi nhận mức tăng khá ổn định, từ 10-20%. Dự án College Town 3 mở bán đầu tháng 11/2017 có giá 535 triệu đồng/nền thì nay giá trên thị trường thứ cấp là 600-650 triệu đồng/nền. Dự án Mega City, có giá chào bán 430-460 triệu đồng/nền giữa năm 2017 thì nay giá giao dịch trên thị trường thứ cấp là 550-600 triêu đồng/nền. Bến Cát Center City 2 được chào bán 480-500 triệu đồng/nền vào tháng 12/2017 thì giá trên thị trường thứ cấp hiện là 530-550 triệu đồng/nền...